Nam Bắc triều
Nam Bắc triều (420 - 589 SCN) là thời kỳ đất nước chia rẽ và chiến tranh loạn lạc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau thời Tam quốc, đất nước bị Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm thống nhất, vương triều mới lấy tên là Tây Tấn. Do vương tộc nổi loạn, Tây Tấn đã bị người Hung Nô xâm lược. Vương tộc Tây Tấn phải rời đến phía Nam sông Trường Giang, đóng đô ở Nam Kinh, lập nên vương triều Đông Tấn.
Phía Bắc Trường Giang trải qua thời kỳ "Ngũ Hồ loạn Hoa". Năm 439 SCN, Thác Bạt Đảo người dân tộc Tiên Bi thống nhất phía bắc Trường Giang. Năm 420 SCN, quyền thần Lưu Dụ nước Đông Tấn phế bỏ nhà Tấn lên ngôi hoàng đế, thay đổi quốc hiệu thành nhà Tống, bắt đầu chính quyền đầu tiên của Nam triều. Cục diện giằng co Nam Bắc triều chính thức hình thành.
Năm 581 SCN, Dương Kiên buộc Tĩnh Đế của Bắc Chu thoái vị, bắt đầu một vương triều mới - triều đại nhà Tùy. Năm 589 SCN, quân Tùy tiêu diệt nước Trần, từ đó kết thúc cục diện gần 300 năm loạn lạc chia rẽ sau thời Tây Tấn.
Thời Nam Bắc triều, các dân tộc thiểu số làm chủ Trung Nguyên, nhưng rất nhanh chóng đã bị người Hán đồng hóa. Vượt trội nhất là Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (467-499 SCN), dời đô đến Lạc Dương, bắt đầu chính sách Hán hóa. Ví dụ, ông là người dân tộc Tiên Ti, họ vốn là Thác Bạt, nhưng ông đã hạ chiếu thay đổi họ Tiên Ti thành họ Hán, bản thân cũng đổi thành họ Nguyên. Ông quy định lấy Hán phục thay thế Tiên Ti phục, lấy Hán ngữ thay thế Tiên Ti ngữ, khuyến khích những người quý tộc Tiên Ti làm thông gia với tầng lớp địa chủ người Hán. Về mặt chính trị thì lấy bộ luật của Nam triều làm tham chiếu, thay đổi chế độ chính trị của Bắc Ngụy.
Thời Nam Bắc triều cũng là giai đoạn phát triển mạnh của Phật giáo ở Trung Quốc. Thời Bắc Ngụy đã có tác phẩm điêu khắc Hang đá Vân Cương, với 51.000 pho tượng Phật, là một trong bốn hang đá nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc. Thời kỳ đầu, tượng Phật mang đậm phong cách của Gandhara và vương triều Gupta. Tư thế của tượng Phật cũng có phong cách ngoại lai rõ ràng, bao gồm gương mặt đẫy đà, viền mắt khá rộng và mũi cao. Đến thời cải cách Hán hóa của Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế thì trang phục và hình tượng của tượng Phật ngày càng giống người Hán.
Đầu thế kỷ thứ 6 SCN, Bồ Đề Đạt Ma, Sư tổ của Thiền Tông từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Sau khi đàm luận Phật Pháp cùng Lương Vũ Đế tại Nam Kinh, phát hiện ra pháp duyên không hợp, đã đứng trên một cây lau vượt sông tới Bắc Ngụy, đến Thiếu Lâm Tự, trong hang đá của núi Ngũ Nhũ Phong đã ngồi quay mặt vào vách đá suốt 9 năm, sau khi khai ngộ đã sáng lập Pháp môn Thiền Tông. Tư tưởng Thiền Tông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến học thuyết Nho gia của đời sau.
July 14, 2011