Triều đại nhà Tống
Triều đại nhà Tống (960-1279 SCN) là vương triều thống nhất kế tục triều đại nhà Đường. Sau khi nhà Đường bị diệt vong, Trung Quốc trải qua 53 năm chiến tranh loạn lạc, lịch sử gọi là "ngũ đại thập quốc". Năm 960 SCN, Triệu Khuông Dật sau cuộc binh biến Trần Kiều, đã lên ngôi vua, lập ra triều Tống. Nhờ những nỗ lực của ông và em trai là Tống Thái Tông, Trung Nguyên và khu vực Đông Nam được thống nhất. Nhưng khu vực phía Bắc, phía Tây và Tây Nam vẫn do các dân tộc thiểu số khác nhau nắm giữ
Triều nhà Tống mặc dù xuất hiện những danh tướng như Dương Diên Chiêu, Nhạc Phi, nhưng sách lược trong chính trị và quân sự khiến nhà Tống nhiều lần bị thất bại trong các chiến dịch tấn công Tây Hạ, Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ. Năm Tịnh Khang thứ 2 (1127 SCN), Huy Tông và Khâm Tông bị nước Kim bắt cóc lên phía Bắc, chết nơi đất khách quê người, lịch sử gọi là "Nỗi sỉ nhục Tịnh Khang". Con trai của Huy Tông là Triệu Cấu vượt Trường Giang đến Lâm An (nay là Hàng Châu) xây dựng chính quyền Nam Tống. Năm 1279 SCN, chính quyền Nam Tống bị cháu của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt tiêu diệt.
Triều Tống là triều đại kinh tế phát triển nhất trong lịch sử Trung Quốc, khoa học kỹ thuật cũng đạt được bước phát triển vượt bậc. Ba trong số bốn phát minh lớn của Trung Quốc là la bàn, kỹ thuật in ấn và thuốc súng đều xuất hiện trong thời nhà Tống, trong đó súng được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu. Vào thời nhà Tống, các ngành nông nghiệp, in ấn, chế tạo giấy, dệt, gốm sứ, hàng hải và đóng tàu phát triển rất hưng thịnh, buôn bán đường biển phát đạt. Nhà Tống cũng bắt đầu cho in tiền giấy.
Thời nhà Tống, Trung Quốc từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công thương nghiệp, tỷ trọng thuế nông nghiệp trong thu nhập của triều đình ngày càng giảm dần, trong khi đó tỷ trọng thu nhập từ thuế công thương nghiệp chiếm khoảng 70% ngân khố quốc gia.
Vào thời nhà Tống, thơ ca đạt đến đỉnh cao, "Tống từ" và "Đường thi" để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của hội họa Trung Quốc, các danh họa vẽ tranh chân dung, tranh hoa điểu, tranh sơn thủy liên tục xuất hiện.
Triều Tống là thời đại mà chính trị tương đối tự do thoải mái, vị thế của các văn nhân được đề cao. Sự phồn vinh về kinh tế, sự tự do ngôn luận và việc phát minh ra kỹ thuật in ấn đã giúp cho giới trí thức được tự do suy nghĩ, thảo luận và truyền bá những tư tưởng của họ.
Thời nhà Tống không có chiến tranh loạn lạc, không có hoạn quan loạn chính, không có ngoại thích chuyên quyền, văn học, lịch sử, triết học và khoa học đều phát triển vượt bậc.
July 12, 2011