Hán văn Cổ điển vỡ lòng (Phần 3)
Trong phần này, tôi muốn giới thiệu với các bạn về vẻ đẹp tiềm ẩn của Hán văn Cổ điển.
Gần đây, tôi đọc tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký” (ghi chép ở lầu Nhạc Dương) được viết bởi nhà quân sự và nhà triết học Phạm Trọng Yêm (989 - 1052 SCN) thời nhà Tống.
Lần đầu tiên tôi nghe tác phẩm này được đọc lên, tôi đã nghĩ nó màu mè, cường điệu và phô trương. Nhưng sau khi nghiên cứu tác phẩm này, lĩnh hội được nội hàm ý nghĩa và tìm tòi để cảm nhận được nét tao nhã trong văn phong và ngôn từ. Bây giờ tôi lại nghĩ rằng, vẻ đẹp của Hán văn Cổ điển thật sự đã được tái hiện một cách rõ nét trong tác phẩm văn học này.
Phạm Trọng Yêm viết tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký” tặng cho một người bạn - vị quan thống sử đang trùng tu lầu Nhạc Dương. Đặc sắc ở chỗ, mặc dù tác phẩm phác họa lầu Nhạc Dương và khung cảnh xung quanh bằng những hình ảnh rất sống động, nhưng ông lại không ở gần lầu Nhạc Dương khi ông chấp bút nên tác phẩm này. Trong thực tế, ông chỉ nhận được bức tranh cùng với lời đề nghị của người bạn. Ông đã viết nó bằng chính sức tưởng tượng của mình.
Và tôi nghĩ đây chính là yếu tố đặc sắc nhất của Hán văn Cổ điển—cách mà trí tưởng tượng của người viết và ý tưởng của người đọc giao thoa với nhau. Hán văn Cổ điển hàm ý mọi thứ đầy tinh tế, không cần cắt nghĩa, nó hoàn toàn dựa vào khả năng diễn giải từ ngữ một cách linh hoạt của người đọc.
Ngày nay, nhiều người Trung Quốc cho rằng Hán văn Cổ điển đã xưa cũ, quá phức tạp và không rõ ràng. Họ phàn nàn rằng thậm chí để có thể hiểu được Hán văn Cổ điển, bạn cần phải có vốn từ vựng dồi dào, có kiến thức sâu rộng về văn tự cổ và phải biết đối chiếu với tài liệu lịch sử.
Nhưng tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt. Đối với tôi, mỗi một ngôn ngữ đều mang đến cho bạn tầng kiến thức nhất định có ích cho xã hội. Xu hướng hiện đại là nhắn tin nhanh, những dòng tweet, tin nhắn văn bản, các hashtag. Chúng ta có thể gói gọn mọi thứ thành các cách viết tắt như g2g, lol, sup, hay những ký tự không có nghĩa khác. Đối với những ý tưởng muốn truyền đạt một cách nhanh chóng, điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng tôi thiết nghĩ không có gì là sai khi chúng ta chọn một cách đầy ý vị hơn để bày tỏ suy nghĩ của bản thân, thể hiện sự khéo léo và hiện thực hóa ý tưởng của chúng ta.
Tôi thừa nhận tiếng Trung hiện đại dễ tiếp cận hơn, dễ phân tích cú pháp hơn và viết đơn giản hơn nhiều. Nhưng cách đơn giản chưa chắc đã là cách tốt nhất. Hãy nghĩ về cuốn tiểu thuyết yêu thích của bạn, cuốn mà bạn yêu thích khi còn nhỏ, cuốn mà mọi nhân vật như sống lại trên từng trang giấy, cuốn mà mọi cảnh vật như đã hằn sâu trong trí tưởng tượng của bạn…
…Và rồi cuốn sách ấy truyển thể thành phim, với dàn diễn viên khác xa với những gì bạn từng mường tượng, trong những thước phim khác hẳn với những điều bạn mơ về, trong một thế giới mà bạn không thể nhận ra những điều bạn phác họa nên. Phim ảnh là loại hình dễ tiếp nhận, người xem không cần phải đọc hiểu, không cần tưởng tượng, điều bạn cần là ngồi xuống, thư giãn và tận hưởng. Nhưng trái lại, với phim ảnh, bạn không có không gian để chiêm nghiệm từ những khía cạnh khác nhau, để thỏa sức tưởng tượng, để men theo những khung cảnh theo cách mà bạn muốn.
Sức mạnh của Hán văn Cổ điển không chỉ hạn cuộc ở những điều được nhắc đến trên câu chữ, mà nó còn đan xen ở những điều chưa được đề cập đến - những điều không được lý giải một cách rõ nét. Sức mạnh của Hán tự Cổ điển nằm trong những điều còn sót lại để bạn chiêm nghiệm.
Hán văn Cổ điển vỡ lòng (Phần 3)