Bát đấu hay nhị bách ngũ

Một hôm, khi lật qua cuốn từ điển tiếng Trung, tôi tìm thấy một định nghĩa của từ hạt dẻ cười nhưng chẳng liên quan gì đến loại hạt này. Trong tiếng Trung, nếu có ai đó gọi bạn là hạt dẻ cười có nghĩa là bạn đang vui như hội. 

Tiếng Trung rất phong phú với nhiều thành ngữ giàu sắc thái. Những thành ngữ này bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian quen thuộc, phong tục tập quán, giai thoại lịch sử và nhiều nguồn khác nữa. Có nhiều thành ngữ tương ứng với các thành ngữ trong các ngôn ngữ khác; thật thú vị khi nhận ra rằng cùng một ý mà các nền văn hóa khác nhau có thể có những cách diễn đạt khác nhau.

Chẳng hạn, khi nói đến một người mà ta yêu mến thì tiếng Anh có thành ngữ "quả táo trong mắt tôi", còn người Trung Quốc lại nói "viên ngọc quý trên tay." Thành ngữ "vùng đất của sữa và mật ong" của phương Tây lại được gọi là "vùng đất lắm cá nhiều thóc" trong văn hóa Trung Hoa (và rõ ràng ẩm thực phương Tây thường ngọt hơn so với Trung Quốc!). Tôi nghĩ điều này chứng tỏ rằng "mỗi củ cải một cái hố" - nghĩa là mỗi ngôn ngữ đều có cách diễn đạt riêng.

So sánh

Giờ chúng ta hãy cùng suy nghĩ. Bạn nghĩ ai là người tài năng nhất? Người nghệ sỹ, đầu bếp, nhà toán học, vận động viên nổi tiếng hay có lẽ là nghệ sỹ múa? Và nếu đo bằng... đấu (đơn vị đo lường cổ, tương đương 10 lít) thì tài năng của người đó là bao nhiêu?

Đến giờ kể chuyện rồi đây!

Vị quân vương lẫy lừng thời Tam Quốc là Tào Tháo có ba người con trai, mỗi người lại có đặc điểm và tài hoa riêng.

Con trai út của Tào Tháo là Tào Thực. Tào Thực luôn được cha yêu thương dù có nhiều khuyết điểm như nghiện rượu, thiếu ý thức kỷ luật và vô cùng hấp tấp. Điều thú vị là Tào Thực lại có tài văn chương.

Mặt khác, con trai trưởng Tào Phi lại tham lam quyền lực và chẳng buồn đếm xỉa gì đến em trai. Tào Phi biết có thể sẽ chết trước khi được kế vị cha nên đã tìm mọi cách để khiến em út bị thất sủng.

Vào đêm Tào Tháo băng hà, sau khi suy tính cẩn trọng, lão quân vương Tào Tháo cuối cùng đã truyền ngôi cho con trai cả. Con người Tào Phi vốn đầy đố kỵ và bất an, vẫn muốn trừ khử em út Tào Thực cho yên tâm. Nhưng Tào Phi không thể tự tay giết em ruột vì như vậy sẽ bị thất tín với quần thần. Vì vậy, y đã bày mưu hãm hại Tào Thực. 

Sau khi cha qua đời, Tào Thực trở về đúng bản chất của mình, lúc nào cũng say túy lúy, còn quên cả việc hiếu nghĩa của cha. Chớp thời cơ này, Tào Phi cho triệu Tào Thực vào triều, ra điều kiện bắt Tào Thực bảy bước thành thơ để chuộc lỗi, nếu không làm xong bài thơ thì sẽ bị chém. Đề tài là gì? "Tình huynh đệ, nhưng trong lời thơ người không được nhắc đến hai từ này. Ngươi hãy làm đi!"

Tào Thực vốn là bậc thầy thi phú, giỏi phép ẩn dụ, liền ứng khẩu thành thơ:

Nấu đậu bằng dây đậu,

Đậu ở trong nồi khóc:

Rằng cùng một gốc sinh,

Đốt nhau sao mà gấp.

Ý thơ khiến Tào Phi cũng phải trào lệ, ân hận nên đành phải tha cho Tào Thực. Câu chuyện “Thất bộ thi” (bài thơ làm trong bảy bước) của Tào Thực trở thành một giai thoại trong lịch sử văn học Trung Quốc và được truyền tụng mãi.

Đương thời, Tào Thực đã viết những áng văn hùng tráng khi mới lên 10, ngâm được hơn 10.000 câu thơ ở tuổi 20, và đã trở thành một nhà thơ tiêu biểu trong thời Tam quốc, cũng như cha - Ngụy vương Tào Tháo. Từ thời Tam quốc tới nay đã là hai thiên niên kỷ, cả hai cha con Tào Tháo - Tào Thực vẫn luôn được coi là những bậc thầy làm thơ.

Một học giả sau này đã viết rằng: Văn chương trong thiên hạ có cà thảy một thạch (tức 10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết 8 rồi (có lẽ đây là một phiên bản cổ của nguyên lý 80/20 của Pareto). Giai thoại này đã sinh ra thành ngữ "tài cao bát đấu" (才高八斗), chỉ một người tài năng xuất chúng. 

Các thành ngữ về tài năng

Dưới đây là một số thành ngữ về tài năng khác liên quan, sắp xếp theo mức độ giảm dần:

"Thiên binh thiên tướng" (天兵 天 將): bất khả chiến bại, lực lượng siêu nhiên.

"Ba đầu sáu tay" (三頭六臂): rất tháo vát, siêu nhân.

"Ngọa hổ tàng long" (藏龍臥虎): tài năng tiềm ẩn.

"Bán bình thố" (半瓶醋): người biết nửa vời, kiến thức hời hợt 

"Hung vô điểm mặc" (胸無點墨): ít học, không có văn hóa.

"Nhị bách ngũ" (二百五): dốt nát, thiếu văn hóa. 

Bạn có thấy tò mò không? Hãy đón chờ những câu chuyện về thành ngữ sắp tới nhé!

Chinese Idiom 80liters Thumb

Bát đấu hay nhị bách ngũ

May 26, 2016

Bình luận