Trong loạt bài này chúng ta sẽ tìm hiểu các nhân vật lịch sử của Trung Quốc cùng với "phiên bản phương Tây" của họ với sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Hôm nay chúng ta cùng đến với hai trong số những mỹ nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử. Mặc dù một người được tôn vinh vì sự hy sinh để giữ mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước và một người được biết đến là nguồn cơn của cuộc chiến để giành được trái tim nàng, có lẽ cả hai đều đi trên con đường đã được an bài. Có lẽ thậm chí cả hai người đều là những sứ giả của Thần.
Vậy họ là ai?
Truyền thuyết Trung Quốc kể về Tứ đại mỹ nhân — bốn người phụ nữ ở các triều đại khác nhau, họ có nhan sắc tuyệt đẹp đến mức khiến cá lặn (Tây Thi), trăng thẹn (Điêu Thuyền), hoa nhường (Dương Quý Phi) và chim sa (Vương Chiêu Quân).
Vương Chiêu Quân sinh ra cách đây hơn 2.000 năm vào thời Tây Hán. Bên cạnh vẻ đẹp yêu kiều, nàng còn là người có học thức, thông thạo tứ nghệ. Thời đó, những cô gái trẻ được tuyển chọn vào hoàng cung trở thành thê thiếp của hoàng đế.
Thời ấy có tục lệ rằng các họa sĩ cung đình sẽ vẽ chân dung các cung tần mỹ nữ trong hậu cung để hoàng đế lựa chọn. Đáng buồn thay, triều đình bị hoạn quan thao túng, các thiếu nữ thường phải đút lót để có cơ hội được chọn. Vương Chiêu Quân không chịu đút lót cho họa sĩ trong triều; để trả thù, ông ta đã thêm một nốt ruồi thương phu trích lệ vào bức chân dung của nàng. Vì vậy, hoàng đế đã bỏ qua và không một lần gặp mặt nàng.
Trong thời gian này, Trung Quốc nhiều lần phải đối phó với những cuộc tấn công đẫm máu của bộ tộc Hung Nô ở phương Bắc. Hoàng đế và thủ lĩnh bộ tộc cuối cùng đã đồng ý giải quyết mâu thuẫn bằng một thỏa thuận hôn nhân. Vị thủ lĩnh nhấn mạnh rằng ông ta chỉ muốn cưới công chúa của hoàng đế. Tuy nhiên hoàng đế không muốn gả công chúa yêu quý của mình đi, nên đã ra lệnh chọn một người con gái khác thế thân. Bức chân dung xấu xí của Vương Chiêu Quân được trình lên, và hoàng đế đương nhiên đã chấp thuận.
Hoàng đế không hề biết đến vẻ đẹp tuyệt trần của Vương Chiêu Quân cho đến khi nàng được diện kiến thủ lĩnh Hung Nô. Nhưng khi đó đã quá muộn. Nàng đã bị đưa đến thảo nguyên hoang vu xa xôi phương Bắc, không bao giờ trở lại.
Vị thủ lĩnh rất vui mừng với cuộc hôn nhân này. Kể từ đó, quan hệ giữa người Hung Nô và triều Hán được cải thiện đáng kể, sự hòa hảo được duy trì trong suốt hơn nửa thế kỷ.
Nàng Vương Chiêu Quân đã từ bỏ tương lai của bản thân để đổi lấy hòa bình trên mảnh đất quê hương. Nói cách khác, đây là câu chuyện về một sự hy sinh cao cả. Nhờ có sự hy sinh của nàng, vô số bách tính đã thoát khỏi lầm than.
Một số truyền thuyết trong dân gian cho rằng Vương Chiêu Quân là tiên nữ từ Thiên thượng xuống để mang đến hoà bình cho hai quốc gia – đó là sứ mệnh của nàng.
Có thể bạn đã biết, văn hóa truyền thống Trung Hoa tin rằng tất cả các sự kiện có tầm quan trọng trong lịch sử đều do Thần an bài. Điều này gồm cả chiến tranh và sự thịnh suy của các triều đại. Hoàng đế cũng được gọi là Thiên tử, là người được Thần lựa chọn và phải duy trì Thiên mệnh. Như vậy, một người phàm trần khó có thể để lại dấu ấn trong lịch sử hoặc tạo ra thay đổi đáng kể trong kịch bản lịch sử, trừ phi người đó đến để hoàn thành ý muốn của Thiên thượng.
Vì vậy, từ tài năng, vẻ đẹp thiên phú của Vương Chiêu Quân, cho đến từng bước tiến vào đến hoàng cung của nàng, cuối cùng dẫn đến một sự lựa chọn vĩ đại, có lẽ những điều này đều không phải là ngẫu nhiên.
Nàng Helen thành Troy
Trong khi nàng Vương Chiêu Quân có vẻ đẹp “chim sa,” thì nàng Helen thành Troy có khuôn mặt khiến hàng nghìn con tàu phải đuổi theo. Trong nhiều thế kỷ, nàng được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới.”
Là con gái của Thần Zeus và hoàng hậu Leda, Helen là một Á Thần. Câu chuyện của nàng, được mô tả trong “Sử thi Iliad và Odyssey” của Homer, đã được tái hiện nhiều lần trong các tác phẩm nghệ thuật, các vở kịch và phim ảnh trong hơn ba thiên niên kỷ.
Chuyện kể rằng, nàng Helen khiến nhiều người đàn ông quyền lực ngưỡng mộ. Vua Menelaus của Sparta đã giành được nàng làm vợ, nhưng sau đó nàng bị hoàng tử Paris của thành Troy bắt cóc và mang đi. Có rất nhiều dị bản của câu chuyện: Nàng đã bị bắt đi một cách ép buộc, hay nàng thực sự đã bỏ trốn cùng hoàng tử Paris?
Nhưng dù thế nào, những người Sparta đã phẫn nộ và đưa hàng nghìn con tàu tới tấn công thành Troy để cướp lại Helen, khởi phát cuộc chiến thành Troy đẫm máu kéo dài suốt mười năm. Cuối cùng, hoàng tử Paris bị giết trong trận chiến và Helen đã trở về nhà.
Tuy nhiên, điều ít người biết đến là cha dượng của Helen (Vua Tyndareus – chồng của hoàng hậu Leda) đã từng vô tình xúc phạm tới nữ thần Aphrodite. Nữ thần đã đặt một lời nguyền lên tất cả con gái của Tyndareus, bao gồm cả Helen, khiến họ phải bỏ chồng và bị rơi vào những rắc rối của nhiều cuộc hôn nhân.
Và mặc dù có vẻ bề mặt là hoàng tử Paris đã chủ ý tới Sparta – lấy cớ là vì mục đích ngoại giao – để cướp nàng Helen đi, nhưng đây cũng là điều được an bài từ trước.
Tiền truyện: Trong câu chuyện “Phán xét của Paris”, Thần Zeus đã yêu cầu hoàng tử Paris chọn ra người đẹp nhất trong ba nữ thần – Thần Aphrodite, Thần Hera và Thần Athena. Mỗi nữ thần đều cám dỗ Paris với một phần thưởng vô cùng hậu hĩnh. Nhưng Paris đã chọn Thần Aphrodite vì bà hứa sẽ đưa đến cho chàng người phụ nữ đẹp nhất trên thế gian – Helen, con gái riêng của kẻ thù cũ Tyndareus của bà. Xuyên suốt câu chuyện, Thần Aphrodite khiến Paris và Helen gặp nhau hết lần này đến lần khác. Để làm phức tạp thêm vấn đề, toàn bộ sự việc đã gợi lên sự phẫn nộ của nữ Thần Hera, người đã thua trong cuộc thi sắc đẹp nói trên; và khi nữ hoàng của các đền thờ Hy Lạp muốn báo thù, bà đã dốc toàn lực.
Vì lịch sử Hy Lạp cổ đại phần lớn gắn liền với thần thoại Hy Lạp, không có gì ngạc nhiên khi thấy Cuộc chiến thành Troy là do các vị Thần chỉ đạo. Vì vậy, nàng Helen có thể được hiểu như là nhân vật nữ chính trong vở kịch lớn với sự an bài của các Thần, gồm Thần Aphrodite – người đặt lời nguyền lên vua Tyndareus, Thần Zeus đặt hoàng tử Paris vào tình huống khó khăn khi phải đưa ra lựa chọn người chiến thắng trong cuộc thi của các nữ Thần, Thần Aphrodite hứa hẹn sẽ thưởng cho Paris, và nữ Thần Hera là người tìm cách trả thù Paris. Sau đó, nhiều vị thần Hy Lạp khác từ hai phía đã can dự để dàn xếp kết quả.
Như bạn đã tháy, hai vị mỹ nhân nổi tiếng của phương Đông và phương Tây, một người chấm dứt chiến tranh còn một người lại khơi mào cuộc chiến. Dường như hai nhân vật chạy theo hai hướng trái ngược nhau, nhưng khi bạn nhìn nhận về sự an bài của chư Thần, nhiều sự tương đồng hơn sẽ xuất hiện.
Chúng ta vẫn còn một cặp nhân vật nữa. Bạn có đoán ra được họ là ai không?
Những Nhân vật Nổi danh 8/10: Vương Chiêu Quân và Helen thành Troy