Hoàng đế Khang Hy của triều Thanh (1654-1722) được coi là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất của đất nước Trung Quốc. Ông là vị hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa, đồng thời cũng là một người siêng năng cần cù, một nhà phát minh và một văn nhân hết lòng yêu thương bách tính. Đất nước Trung Quốc dưới thời Khang Hy hết sức phồn vinh, hoàng triều Trung Hoa cũng trải qua một thời kỳ thịnh vượng và an định.
Đồng thời, các hoàng hậu và phi tần của hoàng đế đã hạ sinh cho ông 56 người con.
Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng việc giáo dục con cháu, bảo đảm cho các hoàng tử hoàng tôn được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Ông dạy dỗ con cháu rất nghiêm khắc, và các hoàng tử hoàng tôn sẽ đến học tập ở một thư phòng gọi là “Vô Dật Trai.” (căn phòng không có an dật)
Vào những ngày hè dài, giờ học của các hoàng tử bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Trước tiên, thầy giáo đến lớp và kiểm tra bài tập của các hoàng tử. Sau đó, các hoàng tử sẽ tiếp tục học bài cho đến 7 giờ sáng. Và đây cũng là thời điểm hoàng đế Khang Hy, người đã thức dậy sớm và làm việc từ vài tiếng đồng hồ trước, sẽ ghé thăm Vô Dật Trai.
Hoàng đế sẽ chọn ngẫu nhiên một trích đoạn từ một quyển sách để cho các hoàng tử đọc thuộc lòng. Đồng thời, ông cũng ra đề cho các hoàng tử đọc thuộc lòng nhuần nhuyễn. Hoàng đế Khang Hy đã từng nói: “Khi trẫm còn nhỏ, trẫm sẽ đọc to một quyển sách 120 lần, và sau đó đọc thuộc lòng quyển sách đó 120 lần. Chỉ khi nào trẫm đã thuộc lòng một đoạn, trẫm mới chuyển sang đoạn tiếp theo. Trẫm đã học bài theo từng đoạn từng đoạn như thế.”
Vào lúc 9 giờ sáng, hoàng đế Khang Hy sẽ rời khỏi Vô Dật Trai để lo việc chính sự, sau đó các hoàng tử sẽ luyện tập thư pháp cho đến giờ ăn trưa. Sau bữa trưa, các hoàng tử sẽ học cưỡi ngựa và bắn cung ở ngoài sân.
Ngay cả vào những ngày bận rộn, hoàng đế Khang Hy vẫn đến gặp các hoàng tử vào lúc 5 giờ chiều và xem các hoàng tử lần lượt bắn cung. Đồng thời, ông cũng tham gia bắn cung cùng các hoàng tử (hoàng đế rất giỏi bắn cung).
Ngoài giờ học, hoàng đế Khang Hy thường dạy dỗ các hoàng tử bằng những ví dụ thực tế. Ông dẫn các hoàng tử theo trong những chuyến đi săn, đi thị sát, và ngay cả trong những trận chiến quân sự. Ông tin rằng kinh nghiệm thực tiễn cũng quan trọng không kém những bài học lý thuyết ở trên lớp.
Hoàng đế Khang Hy là một người kiên định theo đuổi sự nghiệp giáo dục con cháu và vương triều của ông. Ông ra lệnh cho xuất bản một bộ từ điển và bách khoa toàn thư, đồng thời ông dành cả cuộc đời để theo đuổi nền tảng học thuật, cũng như phong cho các sứ giả đến từ phương Tây làm gia sư riêng của ông.
Mặc dù các hoàng tử không phải lúc nào cũng thích thú với sự dạy dỗ nghiêm khắc này, nhưng các hoàng tử sau khi trưởng thành đều rất giỏi giang và có thành tựu. Các hoàng tử trở thành hoàng đế, những nhà chính trị, những học giả, những nhà khoa học và những nghệ sĩ ở thời kỳ thịnh vượng nhất của triều Thanh, vương triều cuối cùng của đất nước Trung Quốc.