Tháng 9 năm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun lần đầu tiên tới biểu diễn tại các nhà hát ở châu Á. Đây là mùa diễn thứ năm của Dàn nhạc nhưng là lần đầu tiên lưu diễn ở nước ngoài.
Mùa diễn năm nay mở màn vào ngày 15 tháng 9 với hai buổi hòa nhạc ở Tokyo, Nhật Bản và sau đó tiếp tục với 16 buổi diễn tại 12 thành phố ở Đài Loan. Vào tháng 10, Shen Yun sẽ quay trở lại những địa điểm quen thuộc ở Hoa Kỳ như nhà hát Carnegie Hall ở New York rồi tiếp tục chuyến lưu diễn tại các thành phố Boston, Toronto, thủ đô Washington và Chicago.
Các nghệ sĩ trong dàn nhạc của Shen Yun đến từ khắp nới trên thế giới và rất nhiều trong số đó đến từ Đài Loan, vì vậy đối với họ lần này trở về quê hương biểu diễn là một niềm vui đặc biệt. Vào đêm trước buổi diễn đầu tiên, bầu không khí của dàn nhạc rất ấm cúng và tràn đầy sự háo hức. Chúng tôi đã tận dụng thời gian nghỉ giữa giờ của những lần tổng duyệt để trò chuyện với một số nhạc công đến từ "hòn đảo xinh đẹp" Đài Loan.
Hoàng Di Trinh, nghệ sĩ cello chính, bắt đầu học nhạc ở Đài Loan, sau đó tiếp tục theo học chuyên sâu tại một học viện âm nhạc cổ điển ở Pháp. Thái Huệ Trí, nghệ sĩ violin, cũng du học ở Pháp sau khi được đào tạo tại Đài Loan. Lý Giai Dung theo học thạc sỹ ở Mỹ trước khi tham gia Shen Yun với vai trò là nghệ sĩ thổi sáo chính. Ngoài ra còn có Khâu Diệu Từ, đến từ Đài Bắc, chơi nhạc cụ đàn tỳ bà cổ truyền. Dưới đây là những chia sẻ của họ.
Hỏi: Bạn đã cùng Dàn nhạc Giao hưởng đệm nhạc cho các tiết mục vũ đạo của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun ở Đài Loan. Vậy Shen Yun được khán giả nơi đây tiếp đón như thế nào?
Thái Huệ Trí: Đối với văn hóa Trung Hoa, người dân Đài Loan đã rất quen thuộc rồi và họ cũng rất kỹ tính. Tuy nhiên biểu diễn của Shen Yun ở đây đã rất thành công. Đây chắc chắn là sự tán thành rất quan trọng đối với chúng tôi. Sự đồng tình của khán giả khiến chúng tôi càng háo hức được biểu diễn trong buổi hòa nhạc lần này.
Hoàng Di Trinh: Có thể truyền đạt mục đích khôi phục văn hóa truyền thống cho người dân ở Đài Loan là điều rất có ý nghĩa. Dù sao thì người dân Đài Loan cũng đã góp một phần rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Vào giữa thế kỷ trước, Trung Quốc Đại lục đã trải qua những biến động của cách mạng cộng sản, rất nhiều người đã rời khỏi Đại lục tới Đài Loan. Những văn vật cổ và tập tục văn hóa mà họ mang theo đã luôn được bảo tồn. Nhưng ở Trung Quốc Đại lục, Cách mạng Văn hóa đã khiến văn hóa truyền thống gần như đã biến mất. Ngày nay, người dân Đài Loan vẫn tiếp tục sử dụng chữ viết truyền thống, trong khi Trung Quốc Đại lục lại sử dụng chữ viết giản thể.
Tôi tin rằng nhắc đến văn hóa truyền thống thì người dân Đài Loan có rất nhiều điều đáng để tự hào, cho nên chúng tôi thật sự rất vui khi được chia sẻ với họ về văn hóa Trung Hoa truyền thống.
Hỏi: Âm nhạc của Shen Yun so với âm nhạc Trung Quốc mà mọi người vẫn thường nghe có sự khác biệt như thế nào?
Hoàng Di Trinh: Âm nhạc truyền thống Trung Hoa vẫn rất phổ biến ở Đài Loan, đa số những buổi hòa nhạc lớn đều chỉ dùng phương thức hợp tấu các nhạc cụ cổ điển Trung Hoa. Tuy nhiên, âm nhạc của Shen Yun kết hợp âm nhạc của Trung Hoa truyền thống và dàn nhạc giao hưởng của phương Tây, hơn nữa cũng biểu diễn các bản nhạc cổ điển của Brahms hay Beethoven. Nó không giống với những gì mà khán giả tưởng tượng, và âm nhạc của Shen Yun còn có những nội hàm sâu sắc cần phải dành thời gian thưởng thức và lĩnh ngộ.
Khâu Diệu Từ: Hình thức phối khí sử dụng kỹ thuật cổ điển tiết tấu mạnh mẽ và kết cấu chặt chẽ của phương Tây, nhưng ý vị trong âm nhạc và phong cách nghệ thuật hoàn toàn là thuần Trung Hoa. Tôi thường bị cuốn hút bởi sự tinh tế, vi diệu của những giai điệu này.
Những người có dòng máu Đông Á khi thưởng thức âm nhạc [Shen Yun] sẽ lập tức cảm thấy xúc động đến tâm linh. Loại âm nhạc mới mẻ này sẽ khiến họ cảm thấy hấp dẫn. Điều mà cá nhân tôi thích nhất là phương thức phối khí đặc biệt. Trong chương trình năm nay của chúng tôi có sự phối hợp của đàn tỳ bà và kèn trumpet.
Hỏi: Ngoài ra bạn có thể miêu tả như thế nào về âm nhạc của Shen Yun?
Lý Giai Dung: Lớn lên ở Đài Loan, ấn tượng đầu tiên của tôi đối với âm nhạc Trung Hoa đến từ âm nhạc của hội chùa ở gần nhà tôi. Ý tôi không phải là những bài thánh ca trong giáo đường hay nhạc thiền nhẹ nhạc, tôi muốn nói đến những âm thanh huyên náo của chiêng trống và những nhạc cụ khác. Sau khi tham gia Shen Yun tôi mới phát hiện rằng một nền văn hóa có thể lưu giữ những nét đẹp rồi mượn những kỹ thuật của nền văn hóa khác không ngừng củng cố để tạo ra một sự phối hợp hoàn mỹ thực sự.
Thái Huệ Trí: Shen Yun kết hợp các âm thanh của đàn nhị, đàn tỳ bà, hay các nhạc cụ bộ gõ của Trung Hoa với dàn nhạc giao hưởng phương Tây, đó chính là một sáng tạo. Ngày càng có nhiều người có thể hiểu được sức mạnh của hình thức âm nhạc này. Không phải hoàn toàn sử dụng nhạc cụ Trung Hoa, cũng không hoàn toàn sử dụng nhạc cụ Tây phương, mà kết hợp hai tinh hoa này với nhau.
Hỏi: Câu hỏi cuối cùng dành cho các bạn – các bạn hy vọng rằng khán giả sẽ lưu lại điều gì sau mỗi buổi hòa nhạc?
Hoàng Di Trinh: Tôi hy vọng mỗi khán giả sẽ ra về với sự trân trọng sâu sắc hơn đối với văn hóa Trung Hoa truyền thống.
Lý Giai Dung: Tôi hy vọng mình có thể khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả. Nếu như chúng tôi có thể khiến họ nghe âm nhạc của mình mà trong một thời khắc ngắn ngủi tiến nhập vào thế giới nội tâm bình hòa, yên tĩnh, hoặc thăng hoa đến nơi thiên đường thuần tịnh, thì có lẽ chúng tôi đã hoàn thành được sứ mệnh của mình rồi.