Tết Trung thu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Trung Quốc. Nó rơi vào ngày thứ 15 của tháng thứ 8 theo lịch truyền thống của Trung Quốc, đó là lúc mặt trăng tròn nhất và sáng nhất. Các gia đình sẽ đoàn tụ, cùng nhau thưởng thức bữa tối ngon miệng và ngắm trăng tròn trên bầu trời đêm, đồng thời nhâm nhi bánh trung thu và thưởng thức tách trà thơm nồng.
Thời tuổi thơ lớn lên ở Trung Quốc, chúng tôi đã quen nghe kể chuyện thần thoại Hằng Nga và Thỏ Ngọc trên Cung Trăng. Vào những đêm mùa Thu mát mẻ, trong lúc ăn bánh trung thu đến no căng bụng, tôi chăm chú ngước nhìn vầng trăng sáng với vẻ tò mò. Nếu nhìn thật kỹ, tôi có thể thấy hình bóng của Cung Trăng, nơi Hằng Nga và Thỏ Ngọc cư ngụ.
Tuy nhiên, các bạn có biết Hằng Nga và Thỏ Ngọc không phải là những cư dân duy nhất của mặt trăng?
Trên mặt trăng còn có một cây quế cổ thụ — một loài cây thường xanh của châu Á, có lá hình bầu dục dẹt và hoa nhỏ li ti. Cây quế này tỏa ra ánh sáng màu vàng kim và hương thơm ngào ngạt. Bên dưới gốc cây có một người tiều phu thường xuyên vung rìu để đốn cây. Người tiều phu này đang làm gì ở trên mặt trăng?
Câu chuyện bắt đầu từ thời nhà Đường (618-907 SCN):
Ngày xưa có một người tiều phu tên là Ngô Cương mong muốn đắc Đạo thành Tiên. Cuối cùng khi có cơ hội để đắc Đạo thành Tiên, người tiều phu lại chểnh mảng lười biếng, không toàn tâm toàn ý tu luyện và phạm nhiều sai sót. Việc này đã chọc giận Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sau đó, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã trục xuất Ngô Cương lên mặt trăng.
Ở trên đó, Ngô Cương tìm thấy một cây quế thần sừng sững cao hơn 500 trượng. Ngọc Hoàng Thượng Đế nói với Ngô Cương: “Chừng nào ngươi đốn xong cây quế này, ngươi sẽ được trường sinh bất tử và trở thành Tiên.”
Ngô Cương háo hức khi thấy cơ hội được trường sinh bất tử mà chỉ tốn một chút công sức. Ông tiến thẳng đến chỗ cây quế, dùng hết sức vung rìu và chém một nhát lớn vào thân cây. Ngay khi ông định vung rìu tiếp, thân cây đã tự liền lại một cách thần kỳ, như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Ngô Cương đã dốc sức đốn cây thật nhanh hết lần này đến lần khác. Nhưng cho dù ông có làm thế nào, cây quế vẫn tự lành lặn một cách thần kỳ. Lần nào cũng giống như thế.
Không còn lựa chọn nào khác, Ngô Cương đành vĩnh viễn ở lại khu vườn ở trên Cung Trăng để đốn cây quế thần.
Dựa theo các ghi chép vào thời Đường, thời Tống và thời Minh, vào đúng đêm Trung thu, hạt của cây quế thần đã từ trên trời rơi xuống như mưa. Người ta nói những hạt quế này rơi xuống từ Cung Trăng, là kết quả của việc Ngô Cương dốc sức đốn cây. Tương truyền khi gieo những hạt quế này, chúng sẽ mọc thành cây quế cao lớn chỉ trong mười ngày.
Do đó, nhân dịp Tết Trung Thu này, các bạn hãy nhớ ăn bánh trung thu và ngắm trăng nhé. Biết đâu bạn có thể nhìn thấy cây quế thần khổng lồ; và nếu may mắn, không chừng bạn còn nhận được hạt quế nữa đấy.
Người Đàn ông trên Mặt Trăng: Truyền thuyết về Tết Trung thu