Bạn đã từng nghe chuyện Khổng Tử học đàn chưa?
Câu chuyện này kể về sự việc xảy ra khi Khổng Tử bái Sư Tương Tử làm thầy để học cầm nghệ.
Sau khi Khổng Tử theo Sư Tương Tử học một thời gian, một hôm Sư Tương Tử đưa cho Khổng Tử một bản nhạc mới và bảo ông về nhà luyện tập.
Vài ngày sau, Sư Tương Tử đến xem thành quả luyện tập của Khổng Tử. Sau khi nghe ông diễn tấu xong, Sư Tương Tử bèn nói: “Ông có thể bắt đầu học đàn bài mới rồi.” Nhưng Khổng Tử đáp rằng: “Tôi chỉ mới học được cách đàn khúc nhạc này thôi, vẫn chưa nắm vững kỹ pháp diễn tấu.”
Vậy nên Khổng Tử lại tiếp tục luyện đàn. Sau một thời gian, Sư Tương Tử thấy ông đã nắm vững kỹ pháp, liền nói với ông: “Ông đã nắm vững kỹ pháp, bây giờ có thể học đàn bài mới rồi!” Thế nhưng Khổng Tử lại đáp: “Tôi mới chỉ nắm vững kỹ pháp thôi, chứ chưa lĩnh hội được tư tưởng tình cảm mà khúc nhạc này muốn truyền tải!”
Khổng Tử tiếp tục chuyên tâm tập luyện, lĩnh hội ý cảnh trong nhạc khúc. Lúc này, Sư Tương Tử lại nói: “Ông đã lĩnh hội được tư tưởng thể hiện trong bản nhạc, lần này có thể học đàn bài mới rồi!” Nhưng Khổng Tử vẫn đáp như cũ: “Tuy rằng đã lĩnh hội được tư tưởng của bản nhạc, nhưng tôi vẫn chưa biết tác giả của bản nhạc này là người như thế nào?”
Lại trải qua một đoạn thời gian Khổng Tử luyện tập, một hôm Sư Tương Tử lại đến, nhưng ông không thấy Khổng Tử luyện đàn, mà thấy Khổng Tử đang đứng ở nơi cao, vẻ mặt trầm ngâm nhìn về chốn xa xăm. Lúc này, Khổng Tử nói: “Tôi đã biết tác giả của bản nhạc này là ai rồi. Người này có làn da ngăm đen, dáng người cao gầy, tầm nhìn rộng lớn, tấm lòng bao la. Trừ Chu Văn Vương ra thì còn ai có thể như vậy?” Sư Tương Tử nghe xong, liền đứng dậy hành lễ với ông và nói: “Ngài quả là bậc Thánh nhân! Khúc nhạc này quả thật tên là Văn Vương Thao.”
Cảm hứng từ tinh thần của bậc Thánh nhân
Câu chuyện trên đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Mỗi khi chúng tôi diễn tập trước các buổi diễn chính thức, tôi thường nhớ đến câu chuyện này.
Thực ra, dù bản thân tôi là một nghệ sĩ múa, nhưng cũng không thể duy trì tinh lực dồi dào suốt 24 tiếng đồng hồ. Thực hiện các động tác giãn cơ quá mức, tập luyện đến kiệt sức, không thể trèo ra khỏi giường là chuyện rất bình thường. Có khi bạn học đến mức đầu sắp nổ tung, mà vẫn không nhớ nổi động tác. Có những kỹ thuật mà bất kể bạn tập bao nhiêu lần nhưng vẫn liên tục thất bại. Khi đó, nếu vẫn phải tiếp tục tập lại động tác mà bạn đã thử hàng vạn lần, thực sự sẽ khiến bạn phát cáu. Thêm nữa, nếu lại phải tiếp tục diễn tập cùng cả nhóm để đồng bộ động tác, chao ôi, quả thật không biết phải làm sao để vượt qua?
Lúc này nhớ đến câu chuyện Khổng Tử học đàn, nó khiến tôi bắt đầu suy ngẫm.
Nếu nghệ thuật được định nghĩa là sự sáng tạo và biểu đạt trí tưởng tượng, tri thức, tình cảm và lý tưởng của con người; vậy thì bản thân quá trình tôi luyện để sáng tạo ra nghệ thuật cũng rất giàu cảm hứng. Khổng Tử liên tục luyện đàn cho đến khi ông không những nắm vững kỹ năng gảy đàn và lĩnh hội cảm xúc bên trong bản nhạc, mà ông còn có thể truyền đạt mong muốn của tác giả. Sự cống hiến và nhiệt tình ở trong đó chính là tấm gương mà tôi cần học hỏi.
Việc chơi nhạc cụ hay múa những động tác đơn thuần, so với việc thực sự hợp thành một thể với tác phẩm để biểu diễn, có sự khác biệt một trời một vực. Không chỉ đối với bản thân người nghệ sĩ, mà đối với hàng ngàn hàng vạn khán giả mà nói, xem qua liền có thể nhận ra được. Vậy nên mới nói mỗi từng chi tiết đều đòi hỏi sự mài giũa và thẩm thấu.
Lần sau, khi tôi diễn tập tiết mục vũ đạo vũ đạo [chưa thể bật mí], tôi sẽ nhắc nhở bản thân về khải thị từ câu chuyện của Khổng Tử và tôi sẽ thử nhập vai hết mình. Mỗi khi tôi khoác lên mình bộ trang phục cho tiết mục vũ đạo [các bạn sẽ sớm được biết], tôi sẽ triển hiện ra sự huy hoàng đặc sắc của dân tộc. Mỗi khi âm nhạc vang lên, tôi sẽ cố hết sức để diễn giải tính cách của vai diễn này.
Trước khi bắt đầu mùa diễn tiếp theo, tôi sẽ đốc thúc bản thân luyện tập giống như Khổng Tử, hy vọng sẽ đạt được kết quả mỹ mãn!
Chú thích: Đoạn nhật ký này được viết bởi nghệ sĩ múa Vương Nam Hy (Betty Wang) vào mùa đông năm 2019 (trước mùa lưu diễn năm 2020).
Tinh thần của Khổng Tử