Rất đặc trưng và mang tính biểu tượng cho nền văn hoá phong phú của dân tộc Trung Hoa, đèn lồng Trung Hoa có lịch sử ít nhất khoảng 2.000 năm.
Ngày nay, đèn lồng thậm chí đã có mặt trên sân khấu của Shen Yun, tuy nhiên khi nó mới xuất hiện, mục đích đơn giản của nó là mang đến ánh sáng ấm áp khi trời tối.
Quả là một ý tưởng thông minh, một ngọn nến bập bùng đặt trong khung căng bằng giấy hay lụa thô. Đèn lồng xuất hiện trong các nghi lễ của đạo Phật như một cách bày tỏ lòng tôn kính Thần. Do đó, đèn lồng trở thành biểu tượng của trí tuệ, với ánh sáng mà nó tỏa ra.
Nguồn gốc của Lễ hội Đèn lồng
Có nhiều câu chuyện khác nhau về sự ra đời của lễ hội Đèn lồng, nhưng một trong những phiên bản phổ biến nhất có nguồn gốc từ vị hoàng đế thứ hai của triều đại Đông Hán (25 - 220 SCN). Vị hoàng đế thấy các nhà sư thắp đèn lồng trong chùa vào ngày rằm tháng Giêng. Là người ủng hộ Phật giáo, hoàng đế tuyên chỉ rằng từ hoàng cung đến các hộ dân thường đều nên thắp đèn lồng vào ngày này hằng năm, và từ đó phong tục này được bắt đầu.
Ngày rằm tháng Giêng đánh dấu đỉnh điểm của dịp Tết Nguyên Đán, do đó thời gian này là dịp hoàn hảo cho phong tục treo đèn lồng. Đến triều đại nhà Đường (618-907 SCN), "Lễ hội Đèn lồng" hoàn chỉnh chính thức ra đời và trở thành một sự kiện của quốc gia, kể từ đó nó được tổ chức thường niên.
Một bữa tiệc thị giác
Ngày nay, Lễ hội Đèn lồng là một dịp đặc biệt cho những người yêu thích đèn lồng thể hiện sự khéo tay của họ. Tại Trung Quốc và những nơi có cộng đồng người Hoa di cư trên thế giới, các cuộc thi đèn lồng thường được tổ chức và họ trao giải cho những chiếc đèn lồng ấn tượng nhất. Những người tham dự lễ hội cũng có thể thử vận may của mình bằng cách tham gia giải những câu đố về đèn lồng, được viết hoặc gắn trên những chiếc đèn.
Nếu bạn đến Lễ hội Đèn lồng ở một nơi như Đài Loan, bạn sẽ không chỉ thấy những chiếc đèn hình củ tròn mà còn thấy đa dạng từ hình gấu trúc khổng lồ, hình chiếc thuyền, 12 con giáp, cho đến tòa nhà 101 chọc trời..., và rất nhiều hình dạng khác nữa.
Ngoài việc thưởng thức những chiếc đèn lồng, bạn đừng quên nếm thử món bánh trôi tàu. Những chiếc bánh tròn làm bằng bột gạo này thường có nhân là vừng đen, lạc hoặc đậu đỏ. Nếu có một bà dì người Hoa muốn mời bạn vài viên thì hãy đừng nghĩ đến việc từ chối. Dì ấy sẽ chẳng quan tâm đến việc bạn có ăn kiêng hay không đâu.
Bánh trôi tàu có thể được đun trong nước đường gừng hoặc chỉ đơn giản là luộc trong nước sôi. Nghĩa đen của nó là ‘canh viên’, món này thường được dùng bằng bát và người ta nói rằng hình dạng tròn trịa của nó là biểu tượng của sự đoàn viên của gia đình. Bánh trôi tàu trong tiếng Hán – tang yuan – được phát âm giống với tuan yuan, hay "đoàn viên". Vì thế nên bạn càng có lý do để thưởng thức món này cùng với gia đình hay bè bạn của mình.
Đa dạng các loại đèn lồng
Mặc dù những chiếc đèn lồng hình cầu là phổ biến nhất, nhưng đèn lồng còn có rất nhiều các loại và kích cỡ khác nhau, bao gồm cả hình lục giác, bát giác. Phần lồng đèn, lúc đầu được tạo ra để ngăn gió thổi tắt nến bên trong, giờ đây trở thành một trong những yếu tố trang trí chủ đạo của chiếc đèn lồng. Hình ảnh rồng phượng trước đây chỉ được đưa vào trang trí cho những cây đèn lồng trong cung điện, giờ đây trở nên rất phổ biến.
Và ngoài những chiếc đèn lồng để treo hay để cầm tay, người ta còn tạo ra đèn lồng nổi và đèn lồng bay. Đèn nổi thường được xếp theo từng cụm, khiến cho mặt nước lấp lánh ánh sáng. tạo nên một quang cảnh kỳ diệu.
Trong khi đó, đèn lồng bay có nguyên lý gần giống nhưng một tiểu khinh khí cầu. Nó cũng được gọi là “thiên đăng”, và người ta kể rằng chính nhà quân sư kiệt xuất Gia Cát Lượng đã sáng tạo ra nó để gửi tín hiệu cho các đoàn quân. Với loại đèn lồng này, nhiệt độ ở giữa tạo ra đủ hơi nóng khiến cho chiếc đèn bay lên cao. Ngày nay, nó đã trở thành một phong tục vui khi bạn đặt một điều ước trước khi thả đèn bay lên bầu trời đêm.
Tuy nhiên vẫn còn một loại đèn lồng nữa mà chúng tôi chưa kể đến. Bạn hiếm khi nhìn thấy nó, loại đèn này được dùng trong vũ đạo và bạn sẽ đặt nó ... lên đỉnh đầu trong khi nhảy múa.
Hãy đừng bỏ lỡ màn trình diễn Duyên dáng Đèn lồng trong tour diễn 2020 của chúng tôi.