Thông cáo Báo chí

Ngày kỷ niệm u buồn, các nghệ sĩ Shen Yun nhớ lại những ngày bị bức hại
HAI NGHỆ SĨ SHEN YUN CHIA SẺ VỀ THỜI GIAN BỊ BỨC HẠI Ở TRUNG QUỐC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT CỦA HỌ.

Là một đoàn nghệ thuật thành lập tại Hoa Kỳ, Shen Yun đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều nghệ sĩ đến từ Trung Quốc vốn đã phải trải qua thời gian bị bức hại vì đức tin của mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe câu chuyện của hai người nghệ sĩ - biên đạo múa Cổ Duyên và nghệ sĩ đàn tỳ bà Lương Ngọc.

Cách đây tròn 21 năm - ngày 20 tháng 7 năm 1999 - hàng triệu học viên ôn hòa của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc đã bị biến thành kẻ thù của quốc gia. Kể từ đó, vô số học viên đã bị giam giữ, tra tấn, thậm chí bị giết vì đức tin của mình.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn công pháp của Phật gia lấy Chân, Thiện, Nhẫn làm nguyên tắc tu luyện. Trong những năm 1990, nó đã trở thành môn khí công được hoan nghênh nhất tại Trung Quốc. Nhiều người thông qua tập luyện Pháp Luân Công đã có được thân thể khỏe mạnh, tinh thần thăng hoa.

Năm 1998, một cuộc điều tra của chính phủ cho thấy có 100 triệu người dân Trung Quốc đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mỗi buổi sáng họ tới công viên để luyện công, hoặc luyện ở nhà. Tuy nhiên, xuất phát từ sự đố kỵ và lo sợ, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó đã coi Pháp Luân Công là một sự uy hiếp đối với việc kiểm soát ý thức hệ của người dân, và đã quyết tâm tiêu diệt tận gốc cái gọi là mối uy hiếp này.

Phòng 610, một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp, được ví giống như tổ chức mật vụ của Đông Đức, đã được thành lập, nhằm thúc đẩy và tiến hành cuộc bức hại. Trên khắp cả nước, hàng nghìn người đã bị bắt bớ, bỏ tù. Các sách Pháp Luân Công bị tịch thu và chất đống thành từng núi rồi bị thiêu hủy. Các kênh truyền thông nhà nước liên tục tuyên truyền bôi nhọ, nhằm tạo cơ sơ dư luận cho cuộc đàn áp tàn bạo này.

Một biên đạo múa xuất sắc

Hiện nay, Cổ Duyên là một trong những biên đạo múa xuất sắc nhất của Shen Yun. Mỗi năm, ông đều thực hiện biên đạo cho những tiết mục vũ kịch đầy lôi cuốn vốn đã trở thành nội dung chủ yếu của chương trình biểu diễn. Nhưng từ nét mặt bình tĩnh và vẻ bề ngoài của ông, các bạn sẽ khó có thể tưởng tượng ra được những khổ nạn mà ông từng trải qua.

"Trước khi cuộc bức hại diễn ra, tôi đã trải qua ba năm đẹp nhất của cuộc đời," ông nhớ lại thời kỳ những năm 1990. "Lúc đó, tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Lần đầu tiên cầm cuốn sách của Pháp Luân Đại Pháp, tôi cảm thấy như được khai sáng. Tôi không còn cảm thấy sự mê mờ của sinh mệnh nữa."

"Về sự nghiệp, là một trong những biên đạo múa hàng đầu tại Trung Quốc, tôi đã đạt đến đỉnh cao của con đường nghệ thuật. Tôi quen thuộc với tất cả các phong cách vũ đạo," Cổ Duyên nói. "Có thể nói đã công thành danh toại và tôi đã có tất cả mọi thứ mình muốn."

Nhưng rồi đến ngày 20 tháng 7, năm 1999.

"Chỉ sau một đêm, tất cả đều biến mất," ông nói. "Các lãnh đạo của Bộ Văn hóa đến tìm tôi để nói chuyện. Họ nói tôi hãy lựa chọn - từ bỏ tín ngưỡng, hoặc mất tất cả. Tôi đã không hề do dự."

Ngay lập tức họ đã khai trừ ông, tịch thu công ty, tài sản, nhà cửa.

"Tôi và vợ đều biết sự nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc đã kết thúc rồi. Chúng tôi biết rằng, tại Trung Quốc, nghệ thuật vẫn luôn chỉ dùng để phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)."

Kể từ đó, trong suốt nhiều năm, Cổ Duyên đã không thể theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, phải dựa vào nghề khác để mưu sinh, hơn nữa còn phải né tránh những mật vụ đang tìm cách bắt ông.

Năm 2007, biết tin một công ty nghệ thuật biểu diễn tên là Shen Yun được thành lập ở Hoa Kỳ, ông đã nhìn thấy tia hy vọng để quay lại con đường nghệ thuật - lần này vì một mục đích to lớn và ý nghĩa hơn. Năm 2012, Cổ Duyên di cư tới Hoa Kỳ và tham gia Shen Yun.

Những câu chuyện về các học viên Pháp Luân Công luôn đại thiện đại nhẫn trong hoàn cảnh gian nan đã xuất hiện trên sân khấu của Shen Yun. Khi Cổ Duyên biên đạo cho những tiết mục vũ kịch này, ông thường nhớ lại những trải nghiệm và cảm xúc của bản thân mình, nó mang lại cho ông nguồn cảm hứng sáng tác.

"Tại Trung Quốc, chúng tôi đã nhiều lần thỉnh nguyện với chính phủ. Chúng tôi đã bị giam giữ trong các trại tạm giam, ở đó điều kiện còn tệ hơn các nhà tù thông thường." ông nói. "Những điều các bạn nhìn thấy trên sân khấu - bản thân chúng tôi đã trải qua. Vợ tôi, để bảo vệ cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp trong tay mình, đã bị một nhóm cảnh sát 7 người đánh đập, cho đến khi họ giật được cuốn sách từ tay bà khi bà nằm trên mặt đất - đúng như những gì các bạn thấy trong tiết mục."

"Tôi nhớ rõ hình ảnh một bác sĩ nhà tù uy hiếp chúng tôi với ống tiêm cỡ lớn trên tay, ông ấy nói: 'nếu anh vẫn tiếp tục luyện (Pháp Luân Công), tôi sẽ tiêm cho anh một mũi này!' Tôi đã đưa cảnh tượng này vào một trong các tiết mục vũ kịch."

Đến hôm nay, nhiều người thân của Cổ Duyên vẫn ở Trung Quốc và liên tục phải chịu sự uy hiếp của ĐCSTQ và bị bức hại vì tín ngưỡng của mình.

Đàn tỳ bà

Nghệ sĩ đàn tỳ bà Lương Ngọc nhớ lại lần đầu tiên mẹ cô bị bắt vì tín ngưỡng của bà.

"Một buổi sáng tháng 8 năm 1999, mẹ tôi đánh thức tôi dậy và hỏi tôi có muốn giống như trước đây, đi ra ngoài luyện công cùng bà không," cô nhớ lại.

"Tôi nói: 'Được ạ.' Hồi còn nhỏ, tôi vẫn nghịch ngợm, mỗi khi luyện công thường cựa quậy liên tục. Nhưng mỗi khi mở mắt ra nhìn thấy gương mặt an hòa của mẹ và các dì ở xung quanh, tôi lại tĩnh tâm xuống, nhắm mắt tiếp tục luyện."

Nhưng vừa ổn định được vài phút, Lương Ngọc lại bị đánh thức bởi những âm thanh chói tai.

Tôi mở mắt và nhìn thấy một nhóm mật vụ và công an chạy về phía chúng tôi. Xe cảnh sát đỗ khắp xung quanh. Mẹ tôi và các dì trong nhóm luyện công bị lôi vào xe và bị đưa đi. Chỉ còn mình tôi ở lại."

Lúc đó Lương Ngọc còn chưa tròn 4 tuổi.

Năm sau, mẹ của cô được thả. Sau đó mẹ cô đã kiên trì đi thỉnh nguyện cho sự trong sạch của Pháp Luân Công. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị giam giữ.

"Những lần bà đi, có lúc vào tối muộn, có lúc vào buổi sáng, có lúc trời tuyết trắng xóa, có lúc trời quang mây tạnh, mỗi lần thấy bà đi khỏi, tôi lại khấp khởi chờ bà quay về," cô nói.

Đến năm 2001, chỉ còn Lương Ngọc cùng bố ở nhà. Vì cô còn nhỏ chưa biết tết tóc, bố cô phải tết tóc cho cô, kết quả mỗi ngày tóc của cô đều rối như "tổ chim."

"Tôi hỏi ông rất nhiều lần: 'Khi nào mẹ về nhà?' Mỗi lần, ông đều nói khẽ với cùng một câu trả lời: 'Sớm thôi. Mẹ sẽ sớm quay trở về...'"

Nhiều năm trôi qua. Lương Ngọc học lên tiểu học, trung học, sau đó lên đại học, bố mẹ của cô vì không từ bỏ Pháp Luân Công nên tại đơn vị công tác luôn bị gây sức ép. Tại trường, Lương Ngọc cũng bị quấy nhiễu và thẩm vấn vì không muốn gia nhập ĐCSTQ.

"Tin tức về các đồng tu - những cô, dì, chú, bác, anh, chị mà tôi quen từ nhỏ - bị bắt bớ, đưa đến trại lao động hoặc bị giam cầm... dường như chưa bao giờ dừng lại."

"Mỗi ngày ở Trung Quốc, tôi đều sống trong nỗi sợ hãi sâu sắc, những tháng ngày ác mộng đó vẫn luôn ám ảnh chúng tôi. Tôi luôn lo sợ liệu mình có phải người tiêp theo bị bắt đi không."

Năm 2015, Lương Ngọc, khi đó đã là một nghệ sĩ đàn tỳ bà trình độ cao, rời khỏi Trung Quốc để thamm gia dàn nhạc giao hưởng Shen Yun và tiếp tục học nhạc tại Đại học Phi Thiên. Nhưng đôi khi, trong lúc đang tập luyện hoặc xem các tiết mục, cô bất giác nhớ lại những gì mình đã trải qua ở Trung Quốc.

"Cuộc đàn áp tàn khốc kéo dài 21 năm lẽ ra đã phải kết thúc từ lâu. Đã đến lúc công lý được khôi phục."