Trong loạt bài này chúng ta sẽ tìm hiểu các nhân vật lịch sử của Trung Quốc và "phiên bản phương Tây" của họ với sự tương đồng đáng kinh ngạc.
Ban Chiêu và Anne Komnene có thể không phải là những cái tên quen thuộc với nhiều người, nhưng hai người phụ nữ này, tồn tại cách nhau hơn một ngàn năm và bốn ngàn dặm, có rất nhiều điểm tương đồng.
Chúng ta hãy bắt đầu ở Trung Quốc.
Ban Chiêu
Ban Chiêu (49 - 117) được xem là nữ sử gia đầu tiên được biết đến ở Trung Quốc.
Ban Chiêu xuất thân từ dòng dõi quyền quý ba đời làm học giả trong triều đình nhà Hán. Bà là một người có gia giáo và cống hiến cả đời cho học thuật. Là một nhà văn và nhà thơ, bà đã trở thành thủ thư cho thư viện hoàng gia, giáo viên dạy học cho các học giả trong triều, cuối cùng bà được giao phó làm cố vấn cho hoàng hậu và gia sư cho gia đình hoàng tộc.
Ban Chiêu nổi tiếng với tác phẩm Nữ giới (Lessons for Women). Cuốn sách được nhiều người nhớ đến này là kim chỉ nam về đạo đức dành cho phái nữ, với những quy tắc ứng xử về cách áp dụng nguyên lý của Nho gia vào trong cuộc sống hằng ngày.
Vào những năm cuối đời, Ban Chiêu đã hoàn thành cuốn Hán Thư (The Book of Han) — một tác phẩm đồ sộ bao quát lịch sử thời Tây Hán. Cha của Ban Chiêu — Ban Bưu, đã làm việc cặm cụi với công trình này cho đến khi ông mất. Anh trai của Ban Chiêu — Ban Cố, đã tiếp quản công trình này. Tuy nhiên, về sau ông bị liên lụy trong một vụ tranh giành quyền lực và đã chết ở trong ngục. Sau đó, hoàng đế đã chỉ định Ban Chiêu tiếp quản công việc của gia đình.
Ban Chiêu đã mất 19 năm để hoàn thành cuốn Hán Thư. Không có công cụ tìm kiếm trực tuyến có lẽ khiến bà thực hiện công việc chậm một chút, nhưng bà đã được tiếp cận kho lưu trữ đồ sộ của hoàng gia và ít nhất bà không bao giờ lãng phí thời gian lướt xem những bài blog về đồ ăn.
Tác phẩm này sau khi hoàn thành bao gồm biên niên sử, tiểu sử, niên biểu, luận thuyết về luật pháp, địa lý, khoa học, lễ nghi và văn chương; và được chia thành 120 quyển.
Ban Chiêu ngưỡng mộ các vị đế vương chính trực thời xưa cai trị thiên hạ bằng đức hạnh. Đây chính là lý do dẫn đến sự ra đời của quyển 20, vốn được đón nhận nồng nhiệt — “Danh sách những nhân sĩ nổi tiếng xưa và nay.” Trong đó, bà đã liệt kê khoảng 2.000 nhân vật lịch sử, lưu lại cho hậu thế tài liệu tham khảo chuyên sâu để nghiên cứu.
Cuốn Hán Thư là một trong “Nhị thập tứ sử” (Twenty-Four Books of History) — 24 bộ sử thư chính thức về các triều đại của Trung Quốc. Nó trở thành kiểu mẫu cho các sách lịch sử sau này.
Anna Komnene
Chúng ta hãy tới thời điểm sau đó một ngàn năm ở kinh đô Constantinople.
Anna Komnene sinh năm 1083 dưới thời trị vì của cha bà — hoàng đế Alexios I Komnenos của Đế chế Byzantine.
Công chúa Anna Komnene rất tinh thông về lịch sử và văn học Hy Lạp, cũng như triết học, thần học, toán học và y học. Lúc nhỏ, bà được dạy dỗ bởi các chuyên gia và đã từng tham gia tranh biện với các học giả lỗi lạc trong triều đình. Về sau, cha bà đã chỉ định bà quản lý một bệnh viện có 10 nghìn giường bệnh, tại đây bà cũng giảng dạy về y học.
Khác với Ban Chiêu, Anna có tham vọng chính trị của riêng mình. Bà cảm thấy không vui khi em trai chào đời và trở thành người thừa kế ngai vàng. Sau khi cha mất, bà đã âm mưu phế truất em trai mình. Tuy nhiên kế hoạch đã thất bại, chồng bà không đồng ý hợp tác với bà, vì ông tin rằng hoàng tử có quyền lên ngôi kế vị.
Chồng của bà Anna là Nikephoros Bryennias Trẻ (Nikephoros Bryennias the Younger), bản thân ông là một học giả. Khi đang viết bộ sử sách về Đế chế Byzantine, ông đã qua đời, bỏ lại tác phẩm vẫn còn dang dở. Về sau, Anna vào tu viện sống và tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của chồng.
Trong những năm cuối đời, Anna đã cho xuất bản bộ sử sách về chính trị và quân sự của Đế chế Byzantine, đồng thời đổi tên tác phẩm thành Alexiad. Bộ sách gồm có 15 quyển và dài gần 600 trang. Cuốn sách này vẫn còn được nghiên cứu cho đến hôm nay và nó chỉ còn lưu lại lời kể của những nhân chứng người Byzantine về cuộc Thập tự chinh Thứ nhất (1096–1099). Chi tiết và hấp dẫn, tác phẩm Alexiad được xem là bộ sách lịch sử xuất sắc từ thời Trung cổ. Bà Anna được nhớ đến như vị nữ sử gia đầu tiên của nền văn minh phương Tây — có thể nói bà là “Ban Chiêu của phương Tây.”
Cả Ban Chiêu và Anna Komnene đều là những phụ nữ có học thức, là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong triều đình đã lưu lại cho hậu thế bộ sử ký vô giá viết về thời đại của họ.
Tuy nhiên họ cũng có những điểm khác biệt. Ví dụ như, Ban Chiêu chưa từng nghĩ đến việc cướp ngai vàng, Anna chưa từng sáng tác thơ phú.
Mặc dù vậy, hai người phụ nữ, có cuộc đời hoàn toàn khác biệt và sống cách nhau cả mấy ngàn dặm, đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử thế giới theo cách riêng của họ.
Chúng ta đã đi hết nửa chặng đường của loạt bài này. Các bạn có thể đoán ra một trong những cặp nhân vật nổi tiếng còn lại không?