Thông cáo Báo chí

Điệu múa dân tộc Miêu

Dân tộc Miêu có lịch sử rất lâu đời, đã từng sinh sống tại vùng trung du sông Trường Giang vào trước thời nhà Tần. Hiện nay họ chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nam và Trung Nam của Trung Quốc, là dân tộc thiểu số lớn thứ 5 tại Trung Quốc. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài và sự đổi thay tại các địa khu, dân tộc Miêu đã phát triển thành hơn 100 nhánh, khiến hình thức văn hóa càng thêm phong phú, chủng loại càng đa dạng, ví như về trang phục đã có hơn 100 loại, các loại vũ điệu rất nhiều, chỉ riêng "múa trống" đã có tới gần 10 loại ("múa trống" tức là vừa đánh trống vừa múa).

Những điệu múa của phụ nữ dân tộc Miêu có thể diễn tả một cách sâu sắc phong thái tinh thần dân tộc, quá trình lịch sử mà dân tộc Miêu nỗ lực khai phá, cũng như trang phục thêu hoa và trang sức bằng bạc cùng những biểu tượng văn hóa khác. Phụ nữ dân tộc Miêu rất thích đeo trang sức bằng bạc. Trong văn hóa của người Miêu, trang sức bằng bạc là bảo bối có thể tránh tà. Trang sức bằng bạc trong nhà càng nhiều, trọng lượng càng nặng thì thể hiện địa vị xã hội càng cao, cũng tượng trưng cho sự giàu có và hạnh phúc.

Khi nhảy múa khăn trùm đầu bằng bạc, vòng cổ, vòng tay bằng bạc phát ra tiếng leng keng vui tai, cũng hình thành nên một nét đặc sắc nổi bật trong điệu múa của người Miêu. Trong các điệu múa của phụ nữ dân tộc Miêu đa phần đều nhảy múa theo nhịp trống, cảm giác tiết tấu mạnh mẽ của nhịp trống khiến các điệu múa đa phần cũng có sức thể hiện và tốc độ tương ứng, cảm xúc dâng trào, các bước nhảy và các tư thế lặp đi lặp lại, thay đổi luân phiên.

Khi múa, các loại đồ trang sức mang trên người nghệ sỹ múa tạo ra tiếng leng keng liên tục, tràn đầy sức truyền cảm, khiến con người cảm thấy hứng khởi. Đồ trang sức của họ càng lớn, càng nặng, càng nhiều thì càng đẹp. Đây cũng là thể hiện giá trị sinh tồn của gia tộc, do đó điệu múa cũng theo đó mà hướng đến việc thể hiện đồ trang sức mang trên người nhiều hay ít và động tác cũng phải tạo ra tiếng leng keng. Ví như tay chân lắc đan chéo vào nhau, lắc đầu, vung tay lắc hông, giơ chân đá chân, nhảy bước nhỏ, xoay vòng, động tác vỗ tay cũng có lực độ, biên độ khá lớn. Đồng thời kiểu động tác này cũng sẽ khiến những chiếc váy xếp ly tạo nên các tư thế lắc lư khác nhau. Những điệu múa chủ yếu là "Múa tứ phương", "Xoay bước chân".