Hỏa Diệm Sơn
Câu chuyện về “Hỏa Diệm Sơn” xuất hiện trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Bốn thầy trò Đường Tăng, Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không và Sa Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường gặp Hỏa Diệm Sơn dài 800 dặm chắn ngang, Tôn Ngộ Không đã nghĩ cách 3 lần đi mượn quạt Ba Tiêu. Câu chuyện này chiếm trọn 3 chương trong tiểu thuyết; bao gồm 3 nạn trong số 81 nạn, đó là “Hỏa Diệm Sơn cản đường“, “Mượn quạt Ba Tiêu” và “Thu phục Ma Vương.” Tình tiết câu chuyện biến hóa khó lường, lôi cuốn độc giả. Hình tượng nhân vật hết sức sinh động, khiến nhiều độc giả vô cùng thích thú.
Ở hồi 59 “Hỏa Diệm Sơn cản bước Đường Tam Tạng, Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu lần thứ nhất,” ban đầu, bốn thầy trò đang đi trên đường, đột nhiên cảm thấy thời tiết thay đổi từ trời thu se lạnh sang nóng như thiêu đốt, nhưng không biết duyên cớ là gì. Bát Giới xen vào nói đùa, cho rằng đã đến “cùng trời cuối đất” rồi, không còn đường để đi nữa. Sa Tăng nghĩ rằng thiên thời bất thường, khiến cho thời tiết đảo lộn. Sau đó, bốn thầy trò hỏi thăm người dân bản địa mới biết nơi này là Hỏa Diệm Sơn kéo dài 800 dặm, bốn mùa đều khô nóng, cây cỏ không mọc nổi, hơn nữa Hỏa Diệm Sơn còn chắn ngang đường đi về phía Tây, không ai có thể vượt qua.
Ở biên giới phía Bắc sa mạc Taklamakan ở Tân Cương cũng có một ngọn núi Hỏa Diệm Sơn, nhưng đó không phải là Hỏa Diệm Sơn được nhắc đến ở đây.
Trong lúc Đường Tăng hoang mang chưa biết làm sao, Tôn Ngộ Không đã nghĩ ra cách vượt qua Hỏa Diệm Sơn, đó là cầu cứu Thiết Phiến công chúa cho mượn quạt Ba Tiêu. Quạt Ba Tiêu “quạt một cái lửa liền tắt, quạt hai cái trời nổi gió, quạt ba cái trời đổ mưa.” Tuy Thiết Phiến công chúa cũng là người tu Đạo, nhưng bà là mẫu thân của Hồng Hài Nhi, là thê tử của Ngưu Ma Vương, bà nghĩ Ngộ Không đã từng bắt con bà, trong lòng ôm oán hận, cho nên dù nói thế nào bà cũng không cho mượn quạt.
Vì thế, Ngộ Không đã hai lần thi triển thần thông, bày kế lấy quạt, nhưng cả hai lần đều không thành công. Trong đoạn “Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu lần thứ nhất,” Ngộ Không đã bị Thiết Phiến công chúa nổi cơn thịnh nộ, quạt cho một cái, bay xa hơn 5 vạn dặm, vừa hay bay đến núi Tiểu Tu Di – nơi ở của Linh Cát Bồ Tát. Linh Cát Bồ Tát vui vẻ lấy ra Định Phong Đan mà Phật Như Lai đã chuẩn bị từ trước đưa cho Ngộ Không. Ngộ Không dùng Định Phong Đan để chống lại âm phong của quạt Ba Tiêu, sau đó Ngộ Không lại khẩn cầu Thiết Phiến công chúa cho mượn quạt, nhưng bất thành. Lần này, Ngộ Không đã biến thành con sâu nhỏ chui vào trong bụng Thiết Phiến công chúa, ép bà ấy phải đưa quạt. Sau đó Thiết Phiến công chúa đã đưa quạt giả cho Ngộ Không.
Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu lần thứ nhất: Bị quạt bay xa hơn 5 vạn dặm.
Ở hồi 60 “Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu lần thứ hai,” Ngộ Không biến hóa thành Ngưu Ma Vương, lừa lấy quạt thật từ Thiết Phiến công chúa; nhưng Ngưu Ma Vương đã biến hóa thành Trư Bát Giới, lừa lấy quạt thật mang về.
Ở hồi 61 “Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu lần thứ ba,” Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cùng thi triển phép biến hóa trong cuộc tranh giành quạt Ba Tiêu, giao chiến một trận trời long đất lở, bất phân thắng bại, cuối cùng thiên binh thiên tướng phụng chỉ Phật Như Lai và Ngọc Hoàng Thượng Đế hạ phàm tương trợ, mới hàng phục được Ngưu Ma Vương.
Ba chương này đã bao hàm rất nhiều huyền cơ trong tu luyện. Vì sao Tôn Ngộ Không mình đồng da sắt, thủy hỏa bất xâm, nhưng không thể dập tắt ngọn lửa cháy mãnh liệt của Hỏa Diệm Sơn? Kỳ thực, Hỏa Diệm Sơn chính là mầm họa từ mấy viên gạch trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân nung luyện Tôn Ngộ Không 500 năm trước, Ngộ Không đạp đổ lò luyện đan, khiến nó rơi xuống trần gian biến thành Hỏa Diệm Sơn dài 800 dặm, lửa cháy rừng rực. Đây chính là nhân trước quả sau. Vì sao Tôn Ngộ Không có bản lĩnh lên trời xuống đất, nhưng không thể đánh bại một tên Ma Vương ở nhân gian? Trong truyện có câu thơ thế này: “Ngưu Vương bổn thị tâm viên biến.” Câu này nói rõ Ngưu Ma Vương chính là tâm ma của Tôn Ngộ Không diễn hóa mà thành. Trên con đường tu hành, duy chỉ có gột rửa tâm ma, mới có thể đến được Tây Thiên, chứng ngộ Phật quả.
“Tây Phương có kinh, chỗ có kinh có lửa, chỗ không có lửa không có kinh.” Kim cương đòi hỏi trải qua bách luyện, người tu hành tất phải thành tâm kiên trì. Phía sau câu chuyện đặc sắc về Hỏa Diệm Sơn có ngụ ý thâm sâu, khai thị con người lĩnh ngộ về tu hành.
Tiết mục vũ đạo “Hỏa Diệm Sơn” trong mùa diễn Shen Yun 2017 được cải biên dựa trên câu chuyện này trong tiểu thuyết Tây Du Ký.
February 23, 2017