Thuyền Cỏ Mượn Tên
Thuyền Cỏ Mượn Tên.
Bức họa của Jinxie Zhong (金协中)
Món quà quý báu đến từ đồng minh hay kẻ địch? Khi vị quân sư cần có được mười vạn mũi tên trong ba ngày, ông nghĩ ra một diệu kế—dùng thuyền cỏ dụ những mũi tên của quân địch và biến chúng thành ân nhân bất đắc dĩ.
Lịch sử Đầy Màu sắc
Sau khi triều đại nhà Hán bị lật đổ vào năm 220 sau công nguyên, Trung Quốc rơi vào thời kỳ hỗn loạn nhất chưa từng có. Từng được biết là một đế chế thống nhất, Trung Quốc bị chia cắt thành 3 nước ở phía bắc, đông nam và tây nam. Cuộc nội chiến tranh giành quyền lực thống nhất đất nước biết đến với tên gọi là thời kỳ Tam Quốc.
Nhiều ghi chép lịch sử và hư cấu về giai đoạn đầy biến động này. Nổi tiếng nhất là tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa. Được coi như một trong tứ Đại danh tác của văn học Trung Quốc, cuốn tiểu thuyết bất hủ này khắc họa những vị tướng, quân sư và lãnh chúa bao gồm các anh hùng và những kẻ dã tâm độc ác.
Tác phẩm ra đời từ thế kỷ 14 này, được so sánh với tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy, là một câu chuyện đầy màu sắc, lấy cảm hứng từ những giai thoại nửa hư cấu và mang sắc thái siêu thường. Vở múa cổ điển Trung Quốc của Shen Yun mang tên “Thuyền Cỏ Mượn Tên” miêu tả một trong những câu chuyện này.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện là thừa tướng Gia Cát Lượng nước Tây Thục. Lịch sử ghi nhận ông như một nhà cầm quân nổi tiếng nhất mọi thời đại, nhưng cuốn tiểu thuyết mô tả ông thậm chí còn huy hoàng vĩ đại hơn.
Gia Cát Lượng.
Bức họa của Chengwei Zhao
Tranh giành quyền lực
Vào năm 208 sau công nguyên, quân đội Bắc Ngụy tiến xuống phía nam với tham vọng thống nhất Trung Quốc. Quân nước Ngụy dẫn đầu là thừa tướng tham tàn Tào Tháo , đang rất hùng mạnh và đầy khí thế sau những chiến thắng liên tiếp. Khi tiến đến bờ sông Dương Tử, chúng cắm trại và chuẩn bị khiêu chiến.
Phía bên kia của con sông lớn là lãnh thổ của Thục và Ngô. Cảm nhận được mối uy hiếp khủng khiếp từ phương Bắc và thấy kẻ địch đang ở thế áp đảo, lãnh chúa Đông Ngô và Tây Thục đã thành lập liên minh—với hy vọng phần nào chống chọi lại sự tấn công gần kề của các đạo quân Bắc Ngụy.
Gia Cát Lượng có trách nhiệm tham mưu cho các tướng lĩnh quân đội Thục - Ngô đồng thời phải bày mưu tính kế chống đỡ quân đội lớn mạnh của Tào Tháo ở phía bắc. Bậc thầy cầm quân dồn hết tâm trí suy tính chiến lược đối phó— và những người dân phương Nam đang hy vọng vào một phép mầu.
Bày mưu tính kế
Nhiệm vụ giao cho Gia Cát Lượng rất gấp rút. Mặc dù Thục và Ngô là hai nước liên minh, nhưng các tướng lĩnh nước Ngô không thật sự tin tưởng Gia Cát Lượng, và ghen tị với tài năng phi thường của ông. Ngay cả trong thời điểm cam go khi cả hai nước cần sự đoàn kết, thì chỉ vì sự đố kỵ, họ đã âm mưu trừ khử ông.
Họ nói rằng để đối phó với quân phương Bắc cần 10 vạn mũi tên —một lượng tên bắn quá lớn. Và rằng cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong 10 ngày tới, mặc dù đây là một nhiệm vụ dường như không thể thực hiện nổi, ông vẫn phải tìm cách làm theo những thứ họ yêu cầu, nếu không sẽ chiếu theo quân luật mà xử. Gia Cát Lượng, phe phẩy chiếc quạt lông, mỉm cười đáp lại "Cho ta thời gian không quá ba ngày.”
Gia Cát Lượng dành hai ngày đầu chuẩn bị trong bí mật. Ông huy động 20 chiếc thuyền và bố trí 30 binh sĩ trên mỗi chiếc thuyền. Sau đó xếp quanh nhóm lính thật là các lính giả làm bằng rơm—thực tế, là một đội quân người rơm.
Vào ngày thứ ba, ông đưa theo người bạn là tướng Lỗ Túc (ông mặc bộ trang phục màu xanh trong vở diễn của Shen Yun), và dẫn các tàu thuyền vượt sông Dương Tử. Lỗ Túc thực sự không biết Gia Cát Lượng trù tính điều gì, và rất lo lắng khi thuyền tiến gần bờ sông của quân địch.
Tên bắn như mưa
Sương mù dày đặc che phủ lòng sông, họ dàn thuyền trước doanh trại quân địch. Gia Cát Lượng lệnh cho lính của mình hò hét và đánh trống trận. Hoảng sợ khi nghe tiếng hò hét và bị che lấp tầm mắt vì sương mù, quân địch bắn tên ồ ạt về phía tiếng động phát ra.
Gia Cát Lượng cho dàn thuyền đối diện với quân địch. các mũi tên rơi xuống—dày đặc như bão tuyết—nhưng chúng chỉ cắm vào những lính rơm trên thuyền. Khi các lính rơm ở một phía bị găm đầy mũi tên, Gia Cát Lượng cho quay thuyền ngược lại để tiếp tục nhận tên. Khi lính rơm bên này lại găm đầy tên bắn, chiếc thuyền sẽ lấy lại cân bằng.
Cuối cùng, nhận được hơn 10 vạn mũi tên nhờ sự trù tính chuẩn xác, Gia Cát Lượng ra lệnh các thuyền chở tên quay trở về, các tướng lĩnh nước Ngô ra đón ông trong sự hổ thẹn.
“Làm thế nào ngài có thể làm được như vậy?” Họ miễn cưỡng hỏi.
“Một vị tướng giỏi không chỉ biết bày binh bố trận, mà còn phải thông hiểu thiên văn, địa lý, toán quái và nguyên lý âm dương," Gia Cát Lượng trả lời. "Ta đã nhìn thấy sương mù dày đặc từ 3 ngày trước, và nghĩ ra mưu kế này.”
Khép lại trận Xích Bích
Nhờ kế hoạch hoàn hảo của Gia Cát Lượng, quân đội Thục—Ngô có đầy đủ vũ khí để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh. Gia Cát Lượng không áy náy khi đã mượn tên của kẻ thù, bởi vì ông sẽ trả lại chúng nhanh thôi.
Sau đó trận Xích Bích diễn ra, 10 vạn mũi tên góp phần quan trọng cho chiến thắng của đội quân phương Nam. Họ đã chặn đứng sự bành trướng của Tào Tháo và khiến hắn thua chạy với tàn quân ít ỏi.
Người dân hai nước Ngô và Thục được sống trong hòa bình. Cuộc chiến tranh giành lãnh thổ ở Trung Quốc trở lại thế cân bằng và bước vào thời kỳ Tam Quốc—một thời kỳ lịch sử làm say mê các nhà sử học cũng như văn nhân trong suốt 2000 năm.
March 10, 2015